Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Qui trình làm phim hoạt hình 3D (P1)

PHIM HOẠT HÌNH 3D ĐƯỢC "CHÍP" NHƯ THẾ NÀO?

1. Một họa sĩ đề xuất ý tưởng truyện phim cho các thành viên trong nhóm dự án. Nếu thuyết phục được cử tọa về ý tưởng này và các khả năng mở rộng thì ý tưởng sẽ được thông qua.

2. Ý tưởng sẽ được ban dự án phát triển theo nhiều hướng, mỗi hướng là một cách xử lý (treatment) bằng văn bản, để tìm ra cách tối ưu cân bằng được cả ý tưởng chủ đạo lẫn khả năng thêm thắt tình tiết.


3. Các họa sĩ bắt đầu phác họa phân cảnh (storyboard) bằng tay, làm cơ sở cho các hành động và đối thoại sau này. Mỗi họa sĩ sẽ nhận các trang kịch bản và các gợi ý về diễn tiến cảm xúc của nhân vật để sáng tác phân cảnh và trình bày các ý tưởng với đạo diễn.

4. Các họa sĩ và nhân viên hãng phim sẽ thay nhau lồng tiếng thô theo kịch bản phân cảnh đã duyệt để ghi âm vào băng mẫu (reels). Sau này các diễn viên chuyên nghiệp sẽ theo đó mà diễn xuất. Diễn viên phải thể hiện lời thoại theo nhiều cách và cách hay nhất sẽ được chọn để làm hoạt hình cho nhân vật.

5. Băng video mẫu có lời thoại lồng tiếng được thực hiện theo kịch bản phân cảnh nhưng không có lời của người dẫn chuyện. Băng mẫu là bước thiết yếu để đánh giá sức hấp dẫn của từng trường đoạn phim, tính thời lượng cho cả bộ phim và điều chỉnh kịch bản phân cảnh.

6. Dựa theo nội dung xử lý cốt truyện và kịch bản phân cảnh cuối cùng, bộ phận mỹ thuật của hãng phim bắt đầu vẽ chi tiết các nhân vật, cảnh trí, đạo cụ, đưa ra các chỉ dẫn về ánh sáng và màu sắc.

7. Từ bản vẽ chi tiết của bộ phận mỹ thuật, các nhân vật, cảnh trí, đạo cụ... sẽ được nặn thành tượng rồi quét bằng máy scanner 3D thành dữ liệu máy tính, hoặc được thiết kế trực tiếp trên máy tính bằng các phần mềm 3D. Các nhân vật và đồ vật đã số hóa này sẽ được gán cho nhiều "trục" hay "bản lề" để các họa sĩ hoạt hình điều khiển chuyển động. Chỉ riêng gương mặt của một nhân vật chính, người ta có thể gán tới 100 "bản lề".

8. Sau khi cảnh trí đã được dựng bằng phần mềm 3D, các đồ vật là đạo cụ được cho vào để tạo ra một thế giới giống thực. Các họa sĩ cảnh trí sẽ làm việc chặt chẽ với đạo diễn để bảo đảm thực hiện đúng ý đồ kịch bản.

9. Khi chuyển câu chuyện thành những cảnh quay ba chiều, nhóm dàn dựng bố trí các nhân vật vào cảnh trí và sử dụng các máy quay ảo để tạo ra những khuôn hình chính trong mỗi trường đoạn thể hiện được cảm xúc nhân vật và cao trào của cốt truyện.

10. Các họa sĩ hoạt hình 3D không cần phải vẽ hay tô màu từng khuôn hình theo kiểu cũ nữa vì nhân vật, cảnh trí, lời thoại đã được dựng sẳn. Bây giờ, các họa sĩ hoạt hình 3D làm việc như các diễn viên múa rối. Họ sử dụng phần mềm điều khiển các động tác đầu và cuối cũng như nét mặt của các nhân vật trong từng cảnh quay, thông qua các "trục" hay "bản lề" đã định sẳn cho các mô hình 3D của nhân vật. Sau đó, máy tính sẽ tự động tạo ra những khuôn hình liền lạc ở giữa và họa sĩ sẽ chỉnh sửa nếu thấy cần thiết.

11. Các họa sĩ tạo bóng sẽ dùng phần mềm để làm nổi bật hình khối của các nhân vật theo sự thay đổi của nguồn sáng trong cảnh trí hay của góc đặt máy quay ảo.

12. Các cảnh trí và nhân vật sẽ được chiếu sáng bằng phần mềm theo những gợi ý về ánh sáng và màu sắc của bộ phận mỹ thuật. Xử lý ánh sáng khéo sẽ tạo thêm cảm xúc cho từng diễn tiến của cốt truyện.

13. Các khuôn hình hoàn tất trong máy tính - mỗi khuôn hình là một tập tin - sẽ được máy tính kết xuất ra một khung hình tương đương với một khung phim nhựa. Để chuyển động được tự nhiên, một giây cần tới 24 khuôn hình. Thời gian kết xuất từ máy tính của một khuôn hình trung bình là 6 giờ, tuy nhiên có những khuôn hình phức tạp phải mất đến 90 giờ mới kết xuất xong.

14. Nhạc nền và các hiệu ứng âm thanh được đưa vào bộ phim trong giai đoạn hậu kỳ, sau khi máy tính đã kết xuất xong các dữ liệu. Bây giờ, bộ phận kỹ thuật sản xuất sẽ ghi từng khuôn hình kỹ thuật số lên phim nhựa hay ghi thành những định dạng kỹ thuật số thích hợp cho việc trình chiếu.

Bài viết liên quan :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét